Những kết quả khảo sát trong hai năm qua của UNDP cho thấy Covid-19 đã có những tác động nghiêm trọng đến người khuyết tật (NKT) trên nhiều khía cạnh như việc làm, thu nhập, khả năng tiếp cận nhu cầu cơ bản và dịch vụ phục hồi chức năng, v.v. Do đó, Chính phủ cần cung cấp các dịch vụ công để hỗ trợ NKT khắc phục những hậu quả mà Covid-19 đã gây ra, đồng thời giúp NKT có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ công và tham gia vào quá trình ra quyết định tại địa phương hơn. Tiếp cận dịch vụ công và hoàn tất thủ tục hành chính công dễ dàng cũng là điều kiện tiên quyết cho NKT hòa nhập tại địa phương, đồng thời giảm thiểu những hậu quả do thiên tai, dịch bệnh gây ra trong tương lai.
Tuy nhiên, trải nghiệm và mức độ hài lòng trong việc sử dụng dịch vụ công và tham gia vào quản trị địa phương của NKT lại chưa được ghi nhận trong Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI). Vì vậy, vào tháng 7 năm 2022, UNDP đã phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong thực hiện Khảo sát Thí điểm về Mức độ Hòa nhập Người Khuyết tật trong Quản trị Địa phương nhằm bổ khuyết cho Chỉ số PAPI thường niên với các chỉ tiêu đo lường về hòa nhập NKT do NKT đánh giá. Thông qua cuộc khảo sát này, NKT có cơ hội phản ánh về chất lượng quản trị địa phương, cung ứng dịch vụ công và thái độ của cán bộ, công chức khi làm việc với NKT ở địa phương.
Báo cáo này trình bày kết quả của cuộc khảo sát thí điểm qua điện thoại với 1.627 NKT thuộc 6 dạng khuyết tật khác nhau được lựa chọn ngẫu nhiên từ danh sách hơn 19.000 NKT do UNDP cung cấp. Là một khảo sát thí điểm với một số hạn chế nhất định về bộ mẫu, kết quả khảo sát chưa thể mang tính đại diện cho NKT trên cả nước. Tuy nhiên, các phát hiện từ khảo sát định lượng cũng như các cuộc phỏng vấn sâu của nghiên cứu đã cung cấp một số kết quả đáng chú ý, có thể sử dụng làm tiền đề để xây dựng các nghiên cứu tiếp theo. Cụ thể:
Về mức độ tham gia của NKT ở cấp cơ sở
Mức độ tham gia vào các hoạt động xã hội của NKT còn khiêm tốn, chỉ 34,4% NKT được hỏi có tham gia vào ít nhất 1 tổ chức/hội/nhóm xã hội. Tỉ lệ NKT nam giới tham gia vào hội/nhóm cao hơn NKT nữ giới. Nhóm NKT Nghe nói, Thần kinh-tâm thần, và Trí tuệ có mức độ tham gia vào các hội/nhóm xã hội thấp hơn hẳn các nhóm còn lại.
Tỉ lệ NKT cho biết không tham gia bầu cử HĐND và ĐBQH tháng 5 năm 2021 khá cao, lên đến 47,1%.
Mức độ tham gia bầu cử của NKT tiếp tục có sự chênh lệch về giới, dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật. Hai yếu tố lớn nhất cản trở NKT tham gia bầu cử là khả năng di chuyển tới địa điểm bầu cử và tiếp cận thông tin về cuộc bầu cử, với 27,7% NKT chia sẻ họ không đi bầu cử do không tự di chuyển được đến địa điểm bầu cử và 24,3% báo cáo rằng họ không được thông báo về cuộc bầu cử. Liên quan đến vấn đề tiếp cận thông tin nói chung, kết quả khảo sát cho thấy NKT dạng Nghe nói, Trí tuệ, và Thần kinh-tâm thần là những nhóm báo cáo không dễ tiếp nhận thông tin qua bất cứ hình thức nào nhiều nhất (lần lượt 27,5%, 28,1% và 30,7%).
Về mức độ đầy đủ của nguồn thông tin từ các định dạng khác nhau mà NKT tiếp cận được, ngôn ngữ kí hiệu và chữ nổi là hai định dạng được NKT báo cáo Thiếu/Rất khan hiếm nhiều hơn so với các định dạng thông tin khác. Trong khi đó, nguồn thông tin thuộc dạng văn bản từ máy tính/điện thoại/thiết bị công nghệ được nhiều NKT đánh giá là Đủ/Rất đầy đủ nhất (58,7%).
Về mức độ hòa nhập của NKT trong thủ tục hành chính công
Tỉ lệ cấp giấy xác nhận chưa bao phủ hết số NKT đủ tiêu chuẩn, với tỷ lệ người trả lời đã có giấy xác nhận khuyết tật chỉ chiếm 68%. Các rào cản phổ biến cho việc xin giấy xác nhận khuyết tật theo cảm nhận của NKT liên quan chủ yếu đến tình trạng thiếu hướng dẫn rõ ràng cho quy trình cấp/thu hồi giấy xác nhận: 18,7% NKT báo cáo chưa biết thủ tục xin cấp xác nhận khuyết tật; 18,1% NKT ‘đã làm đơn tới ủy ban xã/ phường/ thị trấn nhưng không được xử lý’.
Nhu cầu làm thủ tục hành chính công tại địa phương của NKT tương đương với nhóm dân cư nói chung, nhưng NKT còn gặp nhiều khó khăn khi tự làm thủ tục, đặc biệt là nhóm NKT Nghe nói. Việc sử dụng cổng thông tin điện tử để làm thủ tục hành chính chưa phổ biến, với chỉ 2,9% NKT hoặc người giám hộ/người thân của họ đã sử dụng dịch vụ này, do NKT chưa được phổ biến thông tin hoặc thiếu kỹ năng sử dụng công nghệ.
Về mức độ hòa nhập của NKT trong cung ứng dịch vụ công
42,4% NKT cho biết phương tiện công cộng tại địa phương họ đang sinh sống không dễ sử dụng. Ngoài ra, 24% NKT không biết về mức độ dễ sử dụng phương tiện công cộng tại địa phương, phần lớn do họ chưa sử dụng loại phương tiện này bao giờ.
Dịch vụ khám chữa bệnh tuyến huyện được NKT đánh giá khá tốt về thái độ phục vụ (89,9% NKT đánh giá tốt), chi phí khám chữa bệnh (86,9% NKT đánh giá hợp lý) và thời gian chờ (79,3% NKT không phải chờ đợi lâu để khám bệnh). Tuy nhiên cơ sở hạ tầng bệnh viện (thang máy, nhà vệ sinh, đường dốc cho xe lăn v.v.) cần thân thiện hơn với NKT.
Đáng chú ý, NKT quan tâm đến dịch vụ sức khỏe tinh thần nhất trong số các dịch vụ công khác: 37,8% NKT lựa chọn dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tinh thần là dịch vụ cần nhà nước ưu tiên đầu tư trong 5 năm tới. Các kết quả trên cho thấy, vẫn còn nhiều rào cản đối với NKT nói chung trong việc tham gia các hoạt động chính trị- xã hội, thực hiện thủ tục hành chính và sử dụng các dịch vụ công như phương tiện, công trình công cộng và các dịch vụ sức khỏe. Nhìn sâu hơn, NKT Nghe nói, Trí tuệ và Thần kinh – Tâm thần là các nhóm còn gặp đặc biệt nhiều khó khăn và dễ bị bỏ lại phía sau so với các nhóm khác.
Từ các kết quả trên, nhóm nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị sau:
• Về chính sách, cần có những hỗ trợ phù hợp và đầu tư hạ tầng/cơ sở vật chất hòa nhập để NKT có thể tham gia các hoạt động chính trị – xã hội cũng như thực hiện các thủ tục hành chính công bình đẳng như những người khác. Đi kèm với đó, NKT cũng cần được tiếp cận đầy đủ các nguồn thông tin và cung cấp kiến thức/kĩ năng để sử dụng các hạ tầng đó. Đặc biệt, các chính sách hòa nhập NKT cần quan tâm đầy đủ đến đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm dạng khuyế́t tật khác nhau để đảm bảo không nhóm nào bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là các nhóm NKT Nghe
nói, Trí tuệ và Thần kinh – tâm thần.
• Các nghiên cứu về NKT trong thời gian tới nên chú ý về đặc điểm bộ mẫu để mang tính đại diện cao hơn và có thể khai thác sâu hơn các chủ đề như sức khỏe tinh thần, quyền sở hữu tài sản, sự tham gia vào đời sống chính trị của NKT, và tác động kép của giới và khuyết tật tới việc thực thi quyền của họ v.v.