MDRI THAM GIA RISE – DỰ ÁN NGHIÊN CỨU MỚI NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC TRÊN QUY MÔ LỚN TẠI VIỆT NAM

Ảnh: Quỹ Global Partnership (www.globerpartnership.org)

(24/06/2016) OXFORD, Anh _ Dự án Nghiên cứu Cải thiện Hệ thống Giáo dục (RISE) – một sáng kiến mới hướng tới thực hiện các nghiên cứu chất lượng cao nhằm xây dựng căn cứ cho việc nâng cao khả năng học tập của trẻ em trên toàn thế giới –  chính thức triển khai tại Việt Nam ngày hôm nay.

Dự án kéo dài sáu năm, có giá trị 4,2 triệu bảng này sẽ tìm hiểu cách Việt Nam “thành công” trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục giúp các học sinh của nước này đạt được trình độ học tập cao hơn các bạn đồng trang lứa ở cả những quốc gia giàu có hơn nhiều.

Dự án tại Việt Nam là một trong bốn nỗ lực nghiên cứu hiện đang được triển khai ở các quốc gia trên khắp thế giới nhằm tìm ra cách  giải quyết khủng hoảng giáo dục toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận hướng đến phổ cập giáo dục tiểu học toàn cầu, nhưng ở nhiều nơi, trình độ học vấn hoặc vẫn rất thấp, hoặc đang suy giảm. Do đó, kể cả khi trẻ em đã đến trường được nhiều năm, các em vẫn thiếu các kĩ năng cơ bản về toán học và đọc viết. Chương trình RISE nhấn mạnh vào nhu cầu thay đổi có thể đem đến cho trẻ em một nền giáo dục mà các em cần có để trở thành những người thành đạt ở cộng đồng địa phương, quốc gia, và trên toàn thế giới.

“Thực tế rằng gần như tất cả trẻ em đều được đến trường đã là một thắng lợi to lớn của nhân loại,” ông Lant Pritchett, Giám đốc Nghiên cứu của RISE, chuyên viên cao cấp của Trung tâm Phát triển Toàn cầu, và là giáo sư về thực hành phát triển quốc tế tại Trường Quản lý Nhà nước Kennedy – Đại học Harvard, cho biết. “Bây giờ một khi các em đều đã đi học, chúng ta hãy tiếp tục đà đó để đảm bảo rằng mỗi trẻ em đến trường đều thực sự học tập.”

Việc nghiên cứu các kinh nghiệm của Việt Nam mang lại tiềm năng  xây dựng những chính sách có thể giúp các quốc gia khác nâng cao trình độ học vấn cho học sinh.

Các thành tựu của Việt Nam về giáo dục tiểu học và trung học cơ sở trong hơn hai thập kỉ qua là hết sức phi thường. Theo kết quả của Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) năm 2012, một công cụ đánh giá trình độ học vấn toàn cầu của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), Việt Nam xếp hạng thứ 17 trên 65 quốc gia về toán và thứ 19 về khả năng đọc hiểu, vượt qua cả Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Tỷ lệ hoàn thành giáo dục tiểu học của Việt Nam là 97 phần trăm, và tỷ lệ học sinh theo học trung học cơ sở là 92 phần trăm.

“Thành công của Việt Nam đặt ra những câu hỏi lớn về cách mà họ đạt được trình độ giáo dục như vậy, và liệu chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm gì từ các thành tựu của họ để giúp đỡ các nước khác,” ông Paul Glewwe, một trong các chủ nhiệm nghiên cứu chính của nhóm nghiên cứu, phát biểu. Ông Paul đã tham gia vào các nghiên cứu tại Việt Nam trong 25 năm qua, và là Giáo sư Ưu tú McKnight tại Khoa Kinh tế Ứng dụng trường Đại học Minnesota, Hoa Kỳ. “Đây là một dự án mang phạm vi rất tham vọng và tận dụng được một câu chuyện thành công phi thường về giáo dục ở các nước đang phát triển.”

Một nhóm gồm chín chuyên gia đến từ các tổ chức trong và ngoài nước sẽ thực hiện một đánh giá mang tính hệ thống về hệ thống giáo dục Việt Nam bằng cách phân tích thực trạng và các tác động của các cải cách giáo dục được áp dụng trong quá khứ, hiện tại, và trong thời gian tới. Mục tiêu của nghiên cứu này là tìm hiểu cách mà các đòn bẩy chính sách đã đem lại những thành tựu phi thường của Việt Nam, và khả năng cũng như cách mà các cải cách mới có thể phát triển dựa trên  những thành tựu đó.

Những câu hỏi nghiên cứu chính bao gồm:

  • Điều gì lý giải cho tỷ lệ phổ cập giáo dục cao tại Việt Nam? Các hiểu biết từ kinh nghiệm của Việt Nam nhiều khả năng sẽ cung cấp các bài học có thể được sử dụng để cải thiện hệ thống giáo dục tại các nước khác. Nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện một nghiên cứu theo dòng lịch sử về nền móng và sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam. Hệ thống này chứa đựng nhiều đặc điểm đặc biệt, trong số đó có thể kể đến một sự kết hợp phức tạp giữa nguồn vốn công và tư đã làm nổi lên một hệ thống “giáo dục trong bóng tối”. Thực tế là, ở hầu như tất cả mọi nơi ở Việt Nam, kể cả ở nông thôn, các bậc cha mẹ trả tiền để gửi con cái mình đang ở độ tuổi tiểu học vào các lớp “học thêm.”
  • Các cải cách chương trình học hiện nay và trong tương lai sẽ có tác động gì các kết quả học tập của học sinh? Việt Nam đang tiến hành các cải cách chương trình dạy học toàn diện, trên toàn hệ thống nhằm thay đổi hoàn toàn cách giáo viên dạy học, cũng như nội dung và cách học sinh học tập. Vì một trong số các chương trình cải cách đã được áp dụng tại hơn 20 nước khác, các nhà nghiên cứu có thể đưa ra so sánh về cách những thay đổi này hoạt động ở các nước khác nhau. Các cải cách cho “thế hệ tiếp theo” của Việt Nam hướng đến xây dựng các kỹ năng cho học sinh, trong đó nhấn mạnh vào kỹ năng giải quyết vấn đề và làm việc nhóm hơn là chỉ học thuộc lòng. Nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá xem liệu các thay đổi này có ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh theo thời gian hay không, và họ cũng tìm hiểu cơ chế của động lực học tập của học sinh.

Nỗ lực của Việt Nam trong việc tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục bắt nguồn từ mong muốn giải quyết bất bình đẳng về giáo dục giữa các nhóm dân cư trong nước, và từ việc nhận biết rằng họ cần tăng cường lượng cung lao động có kĩ năng để tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế của quốc gia, điều đã đem lại những cải thiện sâu rộng cho mức sống của thế hệ trước.

“Các tranh luận về con đường tăng trưởng bền vững và cải thiện mức sống đã tạo bối cảnh cho những nỗ lực cải cách hệ thống giáo dục của Việt Nam,” ông Lê Thúc Dục, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp và Trưởng phòng Dự báo Kinh tế tại Trung tâm Phân tích và Dự báo, một tổ chức thành viên chuyên về chính sách của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu Việt Nam bao gồm chín chuyên gia nghiên cứu đến từ các tổ chức trên khắp thế giới. Các trụ sở chính được đặt tại trường Đại học Minnesota, nơi mà phân khoa của họ đã tham gia hàng chục năm vào các nghiên cứu về giáo dục tại Việt Nam; Trung tâm Phân tích và Dự báo, một tổ chức chuyên về chính sách thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, một Viện nghiên cứu chiến lược của Chính phủ Việt Nam; và Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, một cơ quan nghiên cứu khoa học độc lập chuyên về chính sách công và các thay đổi xã hội. Các tổ chức liên kết khác bao gồm Đại học Leiden, Đại học London, Viện Nghiên cứu Chính sách Tài khóa (Vương quốc Anh), Ngân hàng Thế giới, và Đại học Oxford. Các thành viên của nhóm là các chuyên gia về các lĩnh vực giáo dục, phát triển quốc tế và tương quan, kinh tế học, và kinh tế chính trị.

“Việt Nam là một câu chuyện thành công phi thường, và việc tìm hiểu cách mà Việt Nam đã đạt được mức độ thành công giáo dục cao  trong khi vẫn phải đối mặt với rất nhiều thử thách về cơ chế và đói nghèo mà nhiều nước khác đang phải đối mặt đóng một vai trò rất quan trọng,” giáo sư Pritchett cho biết.

RISE được triển khai năm 2015 nhằm thực hiện nghiên cứu chất lượng cao để xây dựng một cơ sở luận cứ mang tầm quốc tế cho việc tư vấn chính sách giáo dục, và để nâng cao thành tích học tập của trẻ em tại các nước đang phát triển. Nghiên cứu tại Việt Nam và một số nơi khác sẽ tìm cách chuyển dịch trọng tâm từ các mục tiêu truyền thống, hướng đến kết quả đầu vào – như tỷ lệ đi học của trẻ em – sang những thành tựu dựa trên kết quả đầu ra – như là các kỹ năng  đọc  viết và các kỹ năng toán học.

RISE được Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) tài trợ 27.6 triệu bảng Anh. Trong đó, cơ quan này đã chi 21 triệu bảng Anh cho các nghiên cứu chất lượng cao tại 5 quốc gia và 6.6 triệu bảng Anh để hỗ trợ tư vấn chuyên gia và quản lý; và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) với cam kết đóng góp thêm một khoản hỗ trợ trị giá 9,85 triệu đô-la Úc (tương đương 5,1 triệu bảng Anh) đã cho phép chương trình RISE vươn tới quốc gia thứ 6.

RISE được quản lý và triển khai thông qua một hiệp định đối tác có trụ sở ở Oxford, Vương quốc Anh, giữa cơ quan tư vấn phát triển quốc tế hàng đầu là Tổ chức Quản lý Chính sách Oxford và Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik tại Đại học Oxford. Dự án nghiên cứu được điều hành bởi Giáo sư Pritchett và một nhóm chuyên gia của Trung tâm Phát triển Toàn cầu, một Viện nghiên cứu chiến lược phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, D.C.

Nhóm Nghiên cứu Quốc gia Việt Nam là một đội ngũ đa ngành bao gồm các chuyên gia nghiên cứu đến từ các tổ chức trên thế giới, gồm Việt Nam, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Hà Lan. Các hoạt động chính được thực hiện ở Đại học Minnesota, và Trung tâm Phân tích và Dự báo, một tổ chức thành viên chuyên về chính sách của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Các tổ chức khác tham gia vào dự án bao gồm Đại học Leiden, Đại học London, Viện Nghiên cứu Chính sách Tài khóa (Vương quốc Anh), Ngân hàng Thế giới, và Đại học Oxford. Các thành viên của nhóm cung cấp chuyên môn về nhiều lĩnh vực, bao gồm giáo dục, phát triển quốc tế và so sánh, kinh tế học, và kinh tế chính trị. Họ có kinh nghiệm sâu rộng trong việc thực hiện nghiên cứu tại các nước đang phát triển nói chung, và tại Việt Nam nói riêng.

Để có thêm thông tin chi tiết, xin mời ghé thăm trang web chính thức của chương trình.

 

Chuyên gia nghiên cứu chủ nhiệm

 

Joan

Joan DeJaeghere,

Đại học Minnesota

Joan DeJaeghere là Phó Giáo sư Giáo dục Phát triển Quốc tế và So sánh tại Khoa Lãnh đạo Tổ chức, Chính sách, và Phát triển ở Đại học Minnesota. Tại đó, bà giảng dạy các môn giáo dục và phát triển quốc tế; giáo dục so sánh; và bình đẳng giới, giáo dục và phát triển. Các nghiên cứu học thuật và công việc chuyên môn của bà liên quan đến giáo dục, phát triển, nghèo đói và bất bình đẳng, và đặc biệt là bình đẳng giới, bất bình đẳng giáo dục giữa các dân tộc và nhóm kinh tế-xã hội. Bà đã đảm nhiệm công việc Chuyên gia điều tra chính cho các nghiên cứu kéo dài nhiều năm, tại nhiều quốc gia do Quỹ MasterCard và CARE tài trợ. Bà cũng đã làm việc cho các dự án giáo dục với UNICEF, USAID, Aga Khan, Ngân hàng Thế giới, và Bộ Lao động, và thực hiện nghiên cứu tại Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Tanzania, Uganda, Nam Phi, Honduras và Australia.

Bà là Học giả Fullbright năm 2014 tại Viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và là Chuyên gia Fullbright năm 2014 tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bà là thành viên hội đồng của Hiệp hội Giáo dục Quốc tế và So sánh (2013-16) và là phó biên tập của Tạp chí Quốc tế về Phát triển Giáo dục (2013-16). Các bài viết của bà đã được đăng trên nhiều tờ báo như Tạp chí Giáo dục So sánh, Tạp chí Quốc tế về Phát triển Giáo dục, Giáo dục So sánh, Bước tiến trong Nghiên cứu Phát triển  Nghiên cứu Chuyên sâu về Giáo dục.

Duc

Lê Thúc Dục

Trung tâm Phân tích và Dự báo

Lê Thúc Dục là chuyên gia nghiên cứu cấp cao và Trưởng Phòng Dự báo Kinh tế thuộc Trung tâm Phân tích và Dự báo (CAF) kể từ năm 2004. CAF là một tổ chức thành viên chuyên về chính sách của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, một cơ quan của chính phủ với vai trò thực hiện các nghiên cứu khoa học xã hội. Kể từ năm 2006, ông cũng đảm nhiệm vai trò Chuyên gia điều tra chính cho tổ chức Young Lives, Đại học Oxford, Vương quốc Anh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội. Tại Young Lives, nghiên cứu của ông tập trung vào dinh dưỡng, giáo dục và đào tạo kỹ năng cho trẻ em.

Ông theo học toán học và đã đạt được học vị Phó Tiến sĩ Toán học tại Liên Xô (cũ). Trong quá trình cải cách kinh tế thời kỳ Đổi Mới, ông đã được trao học bổng Fullbright để theo học Kinh tế Phát triển tại Đại học Williams, bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Ông đã đạt được học vị Tiến sĩ Kinh tế học tại trường Đại học Bang New York. Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, ông có thể sử dụng thành thạo tiếng Nga và tiếng Anh.

Paul

Paul Glewwe,

Đại học Minnesota

Paul Glewwe là Giáo sư Ưu tú McKnight tại Khoa Kinh tế học Ứng dụng ở Đại học Minnesota, nơi ông giảng dạy các môn kinh tế lượng, kinh tế vi mô, và phân tích vi mô về phát triển kinh tế.

Ông quan tâm đến giáo dục ở các nước đang phát triển, đặc biệt là các nhân tố quyết định chất lượng giáo dục đầu ra ở các trường tiểu học và trung học cơ sở. Ông đã thực hiện nghiên cứu ở Việt Nam trên 25 năm. Ông cũng đã nghiên cứu các quốc gia Brazil, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Ghana, Honduras, Jamaica, Jordan, Kenya, Madagascar, Malaysia, Ma-rốc, Pê-ru, Philippines, và Sri Lanka. Ngoài ra, ông cũng thực hiện nghiên cứu về tình trạng suy dinh dưỡng, bất bình đẳng và nghèo đói ở các nước đang phát triển.

Ông là tác giả hoặc biên tập của năm cuốn sách về các chủ đề này, mà gần đây nhất là cuốn Chính sách Giáo dục tại các Nước Đang phát triển, do NXB Đại học Chicago phát hành năm 2013. Ông đã công bố hơn 50 bài viết trên các tạp chí học thuật và viết hơn 25 chương trong các cuốn sách học thuật. Các bài nghiên cứu của ông đã được đăng trên Tạp chí Kinh tế Mỹ: Kinh tế học Ứng dụng, Tạp chí Phê bình Kinh tế Mỹ, Tạp chí Phát triển Kinh tế và Biến đổi Văn hóa, Sổ tay Kinh tế Phát triển, Sổ tay Kinh tế học Giáo dục, Tạp chí Kinh tế Phát triển, Tạp chí Tư liệu Kinh tế, Tạp chí Các Góc nhìn Kinh tế, Tạp chí Nguồn Nhân lực, Tạp chí Kinh tế Chính trị, Tạp chí Kinh tế Công cộng, và Tạp chí Phê binh Kinh tế và Thống kê.

Trước khi đến Đại học Minnesota vào năm 199, ông đảm nhiệm chức vụ chuyên gia nghiên cứu kinh tế cao cấp tại Ngân hàng Thế giới. Ông đã nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Stanford năm 1985, và bằng Cử nhân Kinh tế tại Đại học Chicago năm 1979.

 

 Các chuyên gia nghiên cứu chính khác

 

Pedro

Pedro Carneiro,

Đại học London

Pedro Carneiro là Giáo sư Kinh tế học tại Đại học London, Chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Tài khóa, và là Chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Phương pháp và Ứng dụng Microdata. Ông quan tâm nghiên cứu các vấn đề kinh tế học lao động và kinh tế học giáo dục, kinh tế phát triển, và kinh tế lượng vi mô. Ông đã thực hiện kiểm chứng các vấn đề như sản phẩm của giáo dục, chính sách vốn con người, và quản lý lao động ở các nước đang phát triển. Ông đã nghiên cứu các chương trình giáo dục và nghèo đói tại một số nước châu Mỹ Latinh, châu Phi và Đông Âu. Các bài nghiên cứu của ông đã được đăng trên một số tờ báo uy tín như Tạp chí Phê bình Kinh tế Mỹ, Econometrica, Tạp chí Kinh tế Chính trị, và Tạp chí Quý về Kinh tế học.
Hai-Anh

Đặng Hải Anh,

Ngân hàng Thế giới

Đặng Hải Anh là một Chuyên gia Kinh tế tại Bộ phận Nghèo đói và Bất bình đẳng, Nhóm Nghiên cứu Phát triển, Ngân hàng Thế giới. Các nghiên cứu chủ yếu của ông là về phát triển quốc tế, giáo dục, lao động, và nghèo đói. Gần đây nhất, ông là trưởng nhóm phát triển các phương pháp mới để xây dựng số liệu lặp tổng hợp (pseudo) từ các khảo sát hộ gia đình đa biến cho phép ước lượng tốt hơn về phản ứng trước nghèo đói và phúc lợi xã hội.Ông ũng đã và đang đảm nhiệm vai trò Chuyên gia điều tra chính của cá dự án được tài trợ bởi các cơ quan như Quỹ Hewleet, Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID), và Ngân hàng Thế giới. Ông đã tiến hành nghiên cứu về nhiều quốc gia bao gồm Bangladesh, Ai Cập, Ấn Độ, Jordan, Lào, Senegal, Việt Nam, Hoa Kỳ, cũng như các nghiên cứu xuyên quốc gia.

Các nghiên cứu của ông đã được đăng trên các tờ báo như Tạp chí Phát triển Kinh tế và Biến đổi Văn hóa, Tạp chí Phê bình Kinh tế học Giáo dục, Tạp chí Kinh tế Chính trị châu Âu, Tạp chí Kinh tế Phát triển, Tạp chí Phê bình Thu nhập và Tài sản, và Tạp chí Phê bình Kinh tế của Ngân hàng Thế giới. Ông cũng đã xuất bản một cuốn sách về vấn đề gia sư tại Việt Nam và có nhiều chương sách được xuất bản bởi các NXB Trường Đại học Oxford và Cambridge. Ông đã nhận bằng Cử nhân tại Đại học Ngoại thương, Việt Nam, và bằng Tiến sĩ Kinh tế Ứng dụng tại Đại học Minnesota.

Sonya

Sonya Krutikova,

Viện Nghiên cứu Chính sách Tài khóa

Sonya Krutikova là Giám đốc Chương trình của Trung tâm Đánh giá Chính sách Phát triển (EDePo) tại Viện Nghiên cứu Chính sách Tài khóa (IFS) và là Chuyên gia nghiên cứu tại Khoa Phát triển Quốc tế (ODID), Đại học Oxford. Bà đã hoàn thành học vị Tiến sĩ về Kinh tế học tại Đại học Oxford. Các nghiên cứu của bà tập trung vào các nhân tố quyết định quá trình hình thành kĩ năng của trẻ em và thanh niên ở những vùng nghèo đói, cũng như rộng hơn là các cơ chế mà qua đó các điều kiện thời ấu thơ ảnh hưởng đến sự phát triển và thành tích của trẻ em. Bà hiện đang tìm hiểu vai trò của các yếu tố gia đình và trường học trong việc giải thích sự gia tang khoảng cách về nhận thức và thành tích học tập ở trường giữa trẻ em thuộc hoàn cảnh khó khăn và các em có điều kiện tốt hơn ở các nước đang phát triển. Trọng tâm của chương trình này là tìm hiểu cơ chế của các yếu tố lý giải sự gia tăng đó tại các lứa tuổi niên thiếu và vị thành niên. Bà cũng tham gia vào một số dự án tập trung vào vai trò của chất lượng gia đình và việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ em tập trung đến sự phát triển trong giai đoạn đầu của trẻ, cũng như làm việc với số liệu Young Lives để thẩm định sự gia tăng khoảng cách kinh tế – xã hội đến khả năng nhận thức xuyên suốt thời thời niên thiếu và các yếu tố góp phần dẫn đến điều đó, và tham gia vào một số dự án đang và sẽ được triển khai tìm hiểu về tác động của nghèo đói thời niên thiếu đến các lựa chọn hôn nhân, sinh đẻ và việc làm của thanh thiếu niên ở các nước đang phát triển và các nước phát triển.

Bà đã có các bài nghiên cứu được đăng trên một số tạp chí bình duyệt như Tạp chí Phát triển Kinh tế và Biến đổi Văn hóa, Tạp chí Nghiên cứu Phát triển, Kinh tế học Lao động và Tạp chí Phê bình Giáo dục Oxford.

Jonathan

Jonathan London,

Đại học Leiden

Jonathan D. London là Giảng viên đại học về Kinh tế Chính trị Toàn cầu tại Đại học Leiden. Trước đây ông đã giữ các chức vụ tại Đại học Thành phố Hồng Kông và Đại học Công nghệ Nanyang. Lĩnh vực nghiên cứu quan tâm của ông trải rộng gồm kinh tế chính trị so sánh, các nghiên cứu phát triển, và kinh tế chính trị về phúc lợi và phân tầng. Là một học giả hàng đầu về Việt Nam, các ấn phẩm gần đầy của Jonathan London bao gồm Giáo dục tại Việt Nam (ISEAS 2011), Chính trị Đương thời tại Việt Nam (Palgrave 2014) và các bài viết nghiên cứu trên các tạp chí như Tạp chí Phê bình Thường niên về Khoa học Chính trị, Tạp chí Châu Á Đương thời,  Tạp chí Khoa học Xã hội và Y tế. Ông là biên tập viên của Sổ tay Routledge về Việt Nam Đương đại sắp phát hành và là tác giả của Phúc lợi và Phân tầng xã hội tại các nền Kinh tế thị trường châu Á (Palgrave). Với khả năng sử dụng tiếng Việt thành thạo, Jonathan London là tác giả đầu tiên và duy nhất của một trang blog bằng tiếng Việt về chính trị Việt Nam do một người nước ngoài viết. Ông cũng đã từng là chuyên gia phân tích cho các tổ chức quốc tế như UNDP, UNICEF, và OXFAM. Ông đạt được học vị Tiến sĩ về Xã hội học tại Đại học Wisconsin.
Caine

Caine Rolleston,

Đại học London

Caine Rolleston là Giảng viên Cấp cao về Giáo dục và Phát triển Quốc tế tại Viện Giáo dục Đại học London (UCL-IOE). Ông đã làm việc về giáo dục và phát triển quốc tế tại nhiều quốc gia, gồm có Ghana, Việt Nam, Ethiopia, Pê-ru, Ấn Độ, và Sri Lanka, và hiện đang là Chuyên gia Giáo dục Cao cấp cho nghiên cứu so sánh quốc tế của Young Lives về nghèo đói thời niên thiếu, với trụ sở tại Đại học Oxford. Tại Young Lives, ông lãnh đạo việc xây dựng các khảo sát trường học và nghiên cứu về hiệu quả trường học. Các quan tâm nghiên cứu của ông bao gồm các vấn đề về kinh tế học giáo dục tại các nước đang phát triển, tiếp cận và bình đẳng giáo dục, tư nhân hóa, đo lường và mô hình hóa giáo dục, các nghiên cứu theo thời gian về giáo dục và phát triển, sự phát triển các kĩ năng nhận thức và phi nhận thức và thiết kế khảo sát.

Ông đã có các bài viết được công bố trên một số tạp chí bình duyệt, bao gồm Tạp chí Phát triển Kinh tế và Biến đổi Văn hóaTạp chí Phê bình Giáo dục Oxford, Giáo dục So sánh,  Tạp chí Quốc tế về Phát triển Giáo dục.

Tung

Phùng Đức Tùng,

Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong

Phùng Đức Tùng hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong và có 18 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển và xóa đói giảm nghèo. Ông đạt được học vị Tiến sĩ Kinh tế học tại Viện Phát triển và Kinh tế học Nông nghiệp, Đại học Leibniz tại Hannover, CHLB Đức. Ông có chuyên môn sâu rộng về kinh tế lượng, đánh giá tác động, và thiết kế và triển khai khảo sát. Các lĩnh vực nghiên cứu của ông tập trung vào giảm nghèo, giáo dục, phát triển kinh tế – xã hội cho các dân tộc thiểu số, phúc lợi xã hội và tính dễ tổn thương dẫn đến nghèo đói.

Ông là một chuyên gia hàng đầu về chọn mẫu và đã thực hiện thiết kế chọn mẫu và bảng câu hỏi cũng như triển khai khảo sát cho nhiều khảo sát quy mô lớn ở tầm quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, ông đã chứng tỏ được năng lực lãnh đạo xuất sắc qua quá trình lãnh đạo thành công nhiều cuộc khảo sát hộ gia đình và doanh nghiệp quy mô lớn, cũng như các dự án đánh giá tác động cho các cơ quan quốc tế và và các bộ ngành chức năng với các báo cáo có chất lượng cao và các bài nghiên cứu đáng tin cậy. Hiện nay, ông đang quản lý dự án khảo sát đánh giá tác động của Dự án Mô hình Trường học Mới tại Việt Nam (VNEN).

Các bài nghiên cứu của ông đã được công bố trên các tạp chí bình duyệt quốc tế như Tạp chí Kinh tế Mỹ: Kinh tế học Ứng dụng và Tạp chí Phát triển Thế giới.