Mức độ tham gia các tổ chức xã hội và bầu cử của người khuyết tật (NKT) ở cấp cơ sở chưa cao, có sự chênh lệch trong giới tính, giữa các dạng và mức độ khuyết tật.
Trên đây là một trong số các phát hiện chính của cuộc điều tra xã hội học: “Nghiên cứu thí điểm đánh giá mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương” được công bố ngày hôm nay. Nghiên cứu được thực hiện bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI), với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT).
Để tìm hiểu về mức độ hòa nhập của NKT trong quản trị địa phương, nghiên cứu đã tiến hành khảo sát với trên 1.600 NKT, bao gồm tất cả các dạng khuyết tật tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đây là hoạt động thí điểm trước khi mở rộng phạm vi nghiên cứu trong các năm tiếp theo.
Mức độ tham gia của NKT ở cấp cơ sở còn thấp và có sự chênh lệch về giới và dạng khuyết tật, chỉ 34,4% người trả lời có tham gia vào các hội/nhóm/tổ chức xã hội. Tỷ lệ người trả lời không tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân và Đại biểu Quốc hội trong kỳ bầu cử gần nhất còn khá cao, ở mức 47,1%. Hai yếu tố lớn nhất cản trở NKT tham gia bầu cử là khả năng di chuyển tới địa điểm bầu cử và tiếp cận thông tin về cuộc bầu cử. Trong số những người không tham bầu cử, có tới 27,7% người trả lời không tham gia bầu cử vì không tự di chuyển được tới điểm bầu cử và 24,3% không được thông báo về cuộc bầu cử. NKT dạng nghe nói, trí tuệ, và thần kinh – tâm thần là những nhóm còn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận thông tin.
Với thủ tục hành chính công, 21% người tham gia khảo sát cho biết gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính tại địa phương, đặc biệt là nhóm NKT dạng nghe nói. Gần 1/5 số NTL chưa được cấp giấy xác nhận khuyết tật. Bên cạnh đó, 86,1% người trả lời cho rằng các khoản trợ cấp không đủ để đáp ứng cho chi phí sinh hoạt tối thiểu của một NKT. Hơn một nửa số người trả lời không có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình.
Về dịch vụ công, các phương tiện và công trình công cộng vẫn chưa dễ tiếp cận với NKT, chỉ 1/3 người tham gia khảo sát cho biết phương tiện công cộng tại địa phương dễ sử dụng. Dịch vụ khám chữa bệnh tuyến huyện được người trả lời đánh giá khá tốt, tuy nhiên cơ sở hạ tầng bệnh viện cần được cải thiện để thân thiện hơn (trang bị thang máy, đường dốc và nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn cho người đi xe lăn). Sau đại dịch COVID, gần 40% người trả lời đặc biệt quan tâm nhiều nhất đến dịch vụ sức khỏe tinh thần.
Để tải tài liệu tọa đàm, vui lòng truy cập đường link: https://papi.org.vn/nghien-cuu-thi-diem-danh-gia-muc-do-hoa-nhap-cua-nguoi-khuyet-tat-trong-quan-tri-dia-phuong/