Ban biên tập Tạp chí Thương mại quốc tế và Kinh tế phát triển (The Journal of International Trade & Economic Development) vừa công bố tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, đạt giải Bài nghiên cứu xuất sắc nhất năm 2015 với nghiên cứu về “Tác động của thuận lợi hóa thương mại lên nghèo đói và bất bình đẳng: Bằng chứng từ các quốc gia thu nhập thấp và trung bình”. Đã có nhiều nghiên cứu thực nghiệm về tác động của thuận lợi hóa thương mại lên thương mại quốc tế và tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng chưa có nghiên cứu nào về tác động của thuận lợi hóa thương mại lên nghèo đói và bất bình đẳng.
Nghiên cứu này tìm hiểu về tác động của thuận lợi hóa thương mại lên nghèo đói và bất bình đẳng tại các quốc gia thu nhập nhấp và trung bình, sử dụng hồi quy biến công cụ theo phương pháp mô-men tổng quát (generalized method of moments-type instrumental variable regression). Trong nghiên cứu này, thuận lợi hóa thương mại được đo bằng số lượng các tài liệu và số ngày cần thiết cho xuất khẩu và nhập khẩu. Kết quả nghiên cứu cho thấy thuận lợi hóa thương mại giúp cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình giảm thiểu tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng, và tăng GDP bình quân đầu người.
Đọc bài nghiên cứu đầy đủ.
Hình 1 Đo lường thuận lợi hóa thương mại.
Nguồn: Tác giả sử dụng dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP). Tác giả cũng nhận được những nhận xét hữu ích từ Tạp chí Thương mại quốc tế và Kinh tế phát triển và những người tham gia hội thảo “Thuận lợi hóa thương mại cho giảm nghèo: Xây dựng năng lực để chuẩn bị cho chính sách và đo lường thuận lợi hóa thương mại vì người nghèo tại các quốc gia châu Á đang phát triển” được tổ chức vào 26/3/2013.
Hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường được xếp vị trí số một tại Việt Nam về số lượng bài báo quốc tế theo thống kê của tổ chức RePEc (Các nghiên cứu trong Kinh tế học), và trong số 300 nhà kinh tế ở châu Á. Trên thế giới, tiến sĩ Cường được xếp trong 5% nhà kinh tế có số lượng nghiên cứu kinh tế nhiều nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.