Làm thế nào để nông nghiệp “cất cánh”?

Nông nghiệp Việt Nam sau khi gia nhập TPP sẽ đối diện với rất nhiều cơ hội lẫn thách thức. Làm sao để vượt qua thách thức, nắm bắt được cơ hội để đưa nông nghiệp “cất cánh”? Những việc cần làm ngay trước ngưỡng cửa TPP là gì? Các chuyên gia nông nghiệp, các nhà quản lý cùng bàn luận, hiến kế trong tọa đàm của Nhân dân hằng tháng chugn quanh những vấn đề này.

Trích trả lời phỏng vấn của Tiến sĩ Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong trên báo Nhân dân hằng tháng, số ra tháng 11 về vấn đề nông nghiệp trước ngưỡng cửa TPP.

“Thúc đẩy phát triển chuỗi phân phối trong nước”

“Tôi nghĩ việc cần làm ngay là phải cung cấp thông tin về TPP, các cam kết và lộ trình thực hiện các cam kết này cho mọi người dân và doanh nghiệp được biết. Tiếp đến là cần có các nghiên cứu, cung cấp đầy đủ thông tin về yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật của từng nước trong khối đối với các mặt hàng mà chúng ta có lợi thế về xuất khẩu. Đối với các mặt hàng mà chúng ra sẽ phải cạnh tranh và yếu thế thì cũng cần cung cấp thông tin đầy đủ về các đối thủ đến từ những thành viên nào trong khối. Cung cấp thông tin kịp thời và thường xuyên theo dõi các biến động về xuất nhập khẩu sẽ giúp cho các doanh nghiệp và các hộ sản xuất có được sự chuẩn bị tốt trước khi thực hiện cam kết.

Ngành Nông nghiệp, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần rà soát lại Chiến lược phát triển của toàn ngành và với từng sản phẩm nông nghiệp với chung và sửa đổi sao cho phù hợp và tận dụng được những lợi thế của Việt Nam. Mặt khác, cũng cần xem xét và đưa ra được các rào cản kỹ thuật (đây là điểm rất yếu của Việt Nam) đối với các mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Đưa ra chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển chuỗi phân phối (logistic) trong nước. Chuỗi phân phối của Việt Nam đang ở giai đoạn phôi thai và rất kém phát triển. Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh đều phải xây dựng từ khâu sản xuất, đóng gói đến phân phối cho người tiêu dùng. Điều này dẫn đến chi phí đầu tư lớn, hiệu quả có thể không cao do không phải doanh nghiệp nào cũng có cả 3 lợi thế trên. Chính vì vậy hiện nay các chợ truyền thống vẫn có giá cả các mặt hàng tiêu dùng thấp hơn cả trong các siêu thị.

Cần đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất đảm bảo các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu này của các nước nhập khẩu, tránh được các hệ quả mà chúng ta thường gặp phải hiện nay là các nước dùng các tiêu chuẩn này như là một hàng rào phi thuế quan nhằm hạn chế sự thâm nhập của các sản phẩm nông nghiệp nước ta vào các nước thành viên TPP.

Đối với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thì cần phải duy trì và phát huy lợi thế sẵn có thông qua việc nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Ví dụ các sản phẩm cây công nghiệp như cà phê, tiêu, điều thì cần chuyển từ cung cấp các sản phẩm thô sang các sản phẩm đã qua chế biến và dần tiến tới là cung cấp sản phẩm cuối cùng tới người tiêu dùng. Trong thời gian làm về chiến lược cà phê cho Việt Nam năm 2012, một chuyên gia của IDH Hà Lan đã nói với tôi rằng nếu Việt Nam làm được thương hiệu cà phê cho mình thì tổng giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ tăng từ 3 tỷ USD hiện nay lên 10 tỷ USD. Điều này cho thấy phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta chủ yếu là cung cấp sản phẩm thô cho các đối tác và do vậy giá trị gia tăng rất thấp và vì vậy cần trú trọng đầu tư vào khâu chế biến và làm thương hiệu vốn là 2 khâu yếu nhất của Việt Nam hiện nay.

Các sản phẩm từ ngành chăn nuôi thì đúng là rất khó cạnh tranh với các nước thuộc khối TPP. Theo tôi để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với ngành chăn nuôi, trước mắt cần tập trung vào việc chiếm lĩnh thị trường trong nước thông qua việc kiểm soát chặt chẽ qui trình sản xuất, đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả của chuỗi phân phối vốn là khâu yếu nhất hiện nay ở Việt Nam, khiến cho chi phí trung gian rất cao và làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp.”

Xem đầy đủ chuyên đề tại đây.