(TBKTSG) – Rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sau dịch Covid-19 thế giới sẽ được định hình lại với rất nhiều thay đổi trên mọi phương diện. Điều này thực sự mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia nếu có được các chiến lược và chính sách ứng phó phù hợp.
Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế trên đường đua và sẽ thực sự lột xác nếu tận dụng được lợi thế của mình và có các ứng phó phù hợp nhằm giảm thiểu các bất lợi.
Kinh tế Việt Nam năm nay sẽ ra sao?
Việt Nam không còn lựa chọn nào ngoài dấn thân và sẵn sàng thay đổi
Những lợi thế sau đại dịch
Lợi thế đầu tiên nằm ngay ở việc Chính phủ và người dân Việt Nam đã và đang hành động mạnh mẽ, kiểm soát tốt dịch Covid-19, tạo được danh tiếng tốt trong cộng đồng quốc tế. Chính phủ luôn cầu thị, sẵn sàng hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế. Không những kiềm chế được sự bùng phát của bệnh dịch, Việt Nam còn có những hỗ trợ thiết thực và kịp thời về khẩu trang, thiết bị bảo hộ cho một số nước. Chất lượng các thiết bị được đánh giá cao đã thể hiện năng lực y tế, sản xuất và khả năng ứng phó của Việt Nam tốt hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Điểm cộng khác của Việt Nam là có một nền nông nghiệp mạnh, luôn đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia cũng như góp phần quan trọng cho an ninh lương thực thế giới. Việc chủ động được an ninh lương thực giúp Việt Nam có thể thực thi được các chính sách hỗ trợ, giảm thiểu tác động đến các ngành kinh tế khác.
Về nhân lực, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng và chất lượng tương đối cao. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam có ý thức tiết kiệm cao do thường xuyên phải đối mặt với các cú sốc nên khả năng đối phó với rủi ro tốt.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, do đó, có thể bị tác động rất mạnh từ đại dịch. Tuy nhiên, xuất nhập khẩu phần lớn từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm khoảng 70%, trong đó nhóm ngành công nghiệp điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất và ít bị tác động lớn, do vậy tác động của bệnh dịch và ảnh hưởng đến kinh tế từ suy giảm xuất khẩu có thể không quá lớn.
Chính sách giãn cách xã hội làm suy giảm cung – cầu đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, giáo dục, hàng không, vận tải hành khách, buôn bán các mặt hàng không thiết yếu. Tuy nhiên, ngành dịch vụ có khả năng phục hồi nhanh, đặc biệt là các hộ buôn bán nhỏ, doanh nghiệp dịch vụ nhỏ thì khả năng phục hồi còn nhanh hơn khi dịch kết thúc.
Tuy nhiên, để biến những lợi thế này thành cơ hội phục hồi và “cất cánh” sau đại dịch, Chính phủ cần có các chính sách phù hợp trong ngắn hạn và trung hạn.
Các chính sách trong ngắn hạn
Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ với tiêu chí rõ ràng, minh bạch nhằm hỗ trợ đúng đối tượng. Cần triển khai nhanh và theo hướng hậu kiểm, đưa ra những hình phạt nặng đối với các trường hợp gian lận, tham nhũng.
Đối với người dân, Chính phủ cần triển khai gói hỗ trợ ngay trong tháng 4. Đối với các doanh nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp trong ngành logistic.
Với một nền kinh tế xuất nhập khẩu lớn như Việt Nam, mọi ưu thế nêu trên sẽ tiêu tan nếu hệ thống logistic bị đứt gãy sau dịch. Chính phủ nên bỏ toàn bộ các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu (một trong những chi phí lớn của ngành vận tải), và những loại phí khác nhằm hạ chi phí trả cho giao thông đường bộ, hỗ trợ trực tiếp cho ngành hàng không; bên cạnh đó, cần thông quan nhanh, tăng hiệu suất bốc dỡ hàng hóa bằng cách đầu tư và nâng cao năng lực các cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu chính.
Mặt khác, Chính phủ cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp đầu đàn, doanh nghiệp FDI trong các lĩnh vực quan trọng (hàng không, vận tải, xây dựng và phân phối).
Dựa theo các kịch bản khác nhau về tác động của đại dịch đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính thế giới sẽ có thêm khoảng 25 triệu người thất nghiệp. Chính phủ Việt Nam cần chủ động tạo việc làm mới cho lao động bị mất việc bằng cách đẩy mạnh giải ngân các công trình hạ tầng trọng điểm.
Đây là cách thức để tăng cơ hội việc làm cho lao động, đồng thời giải quyết khó khăn cho ngành xây dựng, và gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động dịch vụ ăn theo. Cụ thể, Chính phủ có thể đẩy mạnh đầu tư các công trình giao thông; triển khai các tuyến giao thông kết nối các đô thị lớn, các khu vực đông dân cư, kết nối giữa các vùng; cũng như ưu tiên các công trình chống xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Và trong trung hạn
Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp đầu đàn, doanh nghiệp FDI trong các lĩnh vực quan trọng. Ảnh minh họa Thành Hoa |
Covid-19 đã cho thấy một nền kinh tế phụ thuộc vào một vài quốc gia khác trong chuỗi giá trị sẽ dễ tổn thương nếu xảy ra sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng. Các nước lớn và các tập đoàn đa quốc gia đã nhận thấy rất rõ việc phụ thuộc vào Trung Quốc là một rủi ro lớn và họ đang tiến hành các bước để chuyển phần lớn hệ thống sản xuất về nước hoặc sang các nước khác nhằm đa dạng hóa nguồn cung, tránh rủi ro lặp lại như thời gian vừa qua. Đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam.
Chính phủ cần thành lập các ban thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn trên thế giới. Những kinh nghiệm “kéo” vốn FDI trước đây cần được chú trọng áp dụng lúc này: các ưu đãi về thuế, thuê mặt bằng; cam kết về bảo vệ sở hữu trí tuệ; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong nước; cam kết sử dụng các sản phẩm của họ cho các dự án đầu tư trong nước, ví dụ như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).
Việt Nam có thể không thu được nhiều thuế từ các tập đoàn này nhưng thu được rất nhiều lợi ích kinh tế gián tiếp từ lực lượng lao động, các công ty cung ứng trong chuỗi giá trị, các dịch vụ ăn theo như logistic, ăn uống, lưu trú… Nhìn vào Samsung, chúng ta có thể thấy tác động của các dự án đầu tư của tập đoàn này là vô cùng lớn đối với kinh tế Việt Nam.
Du lịch cũng là ngành cần được chú trọng trong các chính sách trung hạn hậu Covid-19. Ngay từ bây giờ, Chính phủ cần hỗ trợ liên kết các hãng hàng không với các công ty du lịch, các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng để tạo ra các gói du lịch giá rẻ (làm giống Thái Lan năm 1997) nhằm chuẩn bị thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi đại dịch kết thúc.
TS. Phùng Đức Tùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong – MDRI