Thế giới đã theo sát động thái từ Ủy ban thị trường mở Liên bang (Federal Open Market Committee – FOMC) thuộc Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) trong cuộc họp ngày 15-16 tháng 12/2015. FED dự kiến sẽ tăng mức lãi suất mục tiêu của Quỹ Tiền tệ liên bang trong một vài năm tiếp theo đến khi đạt được mức lãi suất bình thường của một nền kinh tế khỏe mạnh. Việc bình thường hóa lãi suất tại Mỹ sẽ gây ảnh hưởng lên nhiều nền kinh tế mới nổi, bao gồm Việt Nam.
Các chuyên gia của nhóm Sáng kiến Việt Nam đã soạn thảo bản tóm tắt chính sách nhằm ứng phó với sự thay đổi của lãi suất. Nhóm tác giả gồm có TS. Lê Hồng Giang (TGM Australia), TS. Nguyễn Diệu Hương (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), TS. Phùng Đức Tùng (Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong), TS. Andreas Hauskrecht (Đại học Indiana), TS. Đinh Trường Hinh (Đại học Johns Hopkins), và TS. Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana). Vào ngày 31/12/2015, Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong tổ chức cuộc hội thảo nhằm giới thiệu bản tóm tắt chính sách và tham khảo ý kiến từ các thành viên tham dự. Cuộc hội thảo được chủ trì bởi ông Cao Viết Sinh – Chuyên gia cao cấp, Cố vấn Bộ trưởng. Thành phần tham dự gồm có: Bộ phận thường trực của Báo cáo Chính trị Xã hội, Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng, Tổ điều phối vĩ mô từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước.
Buổi hội thảo gồm có 3 phần: Chính sách tiền tệ, Cải cách kinh tế và Giới thiệu nhóm Sáng kiến Việt Nam
Bắt đầu hội thảo, TS. Nguyễn Diệu Hương đã trình bày phản ứng sau khi Mỹ tăng lãi suất của các nước có ảnh hưởng đến Việt Nam hoặc có các điều kiện kinh tế – xã hội tương tự với Việt Nam.
Tiếp đến, TS. Lê Hồng Giang trình bày một số quan sát về mặt thị trường trước tình hình lãi suất của Mỹ và Trung quốc.
TS. Trần Ngọc Anh đã khái quát bốn kênh tác động mà qua đó việc tăng lãi suất của Mỹ có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam và đề xuất hai hướng đi chính cho Việt Nam là (i) giữ lãi suất, để VND trượt giá và (ii) tăng lãi suất để giữ tỷ giá. Kết thúc phần 1, TS. Trần Ngọc Anh đưa ra 5 khuyến nghị cho Chính phủ: thứ nhất, chỉ có thể bảo vệ được tỷ giá khi nó ở điểm cân bằng hoặc phải có dự trữ ngoại tệ dồi dào hay được sự trợ giúp từ IMF và các nước khác; thứ hai, Chính phủ có thể chọn điểm cân bằng tối ưu thông qua phân tích chi phí – lợi ích của các chính sách; thứ ba, chính sách cần linh hoạt, dựa trên sự kết hợp của việc phân tích các mô hình kinh tế định lượng, chi phí – lợi ích và quan sát động thái chính sách của Mỹ, Trung Quốc và các nước khác; thứ tư, các chính sách can thiệp cần hướng tới đạt được điểm cân bằng tỷ giá và cho thị trường biết Chính phủ sẽ kiên quyết bảo vệ điểm cân bằng đó; cuối cùng, khi tình hình kinh tế ổn định, cần thực hiện quy định không cho phép gửi tiền ở ngân hàng bằng USD để chống đô la hóa, đồng thời giảm thâm hụt ngân sách, giảm vay, tăng dự trữ quốc tế nhằm ổn định vĩ mô.
Ở phần tiếp theo, TS. Trần Ngọc Anh trình bày một số đề xuất cải cách kinh tế để đạt được ổn định vĩ mô trong dài hạn. Ông đề cập đến Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một “cơ hội cửa sổ” cho Việt Nam, trong đó đặc biệt lưu ý đến cách tận dụng lợi thế khi tham gia TPP, đó là dịch lên trên trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua luồng “know-how”. Ba sáng kiến cụ thể được ông Trần Ngọc Anh đưa ra để khuyến khích luồng “know-how” là đề bạt cán bộ dựa trên kết quả kinh tế, cho chính phủ nước ngoài thuê đất, cải cách các chính sách đối với tập đoàn đa quốc gia và chính sách công nghiệp.
Bên cạnh phần trình bày chính, các khách mời tham dự đã có một số ý kiến và thảo luận, như ban hành quy định hành chính không cho phép gửi tiền bằng USD có phải là một giải pháp phù hợp với Việt Nam hay không khi ở Việt Nam đã có quá nhiều quy định hành chính, có nên đặt lạm phạt mục tiêu hay không, mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát ở Việt Nam, tác động của kiều hối đối với ổn định kinh tế vĩ mô, phá giá VND có thực sự tác động tích cực đến cán cân thương mại của Việt Nam khi thực tế xuất khẩu Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu cho sản xuất,…
Chương trình tọa đàm đã gợi mở nhiều ý tưởng và suy ngẫm cho hướng phát triển chính sách kinh tế của Việt Nam trong cả ngắn hạn và dài hạn. Các học giả, các nhà kinh tế tham dự mong đợi trong tương lai nhóm “Sáng kiến Việt Nam” sẽ tăng cường trao đổi với các nhà kinh tế trong nước để có thêm thông tin và nghiên cứu các đề tài thiết thực giúp ích cho Việt Nam.