TỔNG QUAN
Mục tiêu của dự án GPE-VNEN là vượt qua những khó khăn trong việc xây dựng khả năng suy nghĩ độc lập và sáng tạo cho trẻ em, đặc biệt là những em khuyết tật và dân tộc thiểu số. Khác với phương pháp truyền thống lấy giáo viên là trung tâm, phương pháp dạy và học tại các trường VNEN đặt học sinh làm trung tâm. Phương pháp được áp dụng trong GPE–VNEN đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của cộng đồng địa phương cũng như vai trò của các bậc cha mẹ trong giáo dục tiểu học. Cải cách cơ bản này có khả năng sẽ dẫn đến sự thay đổi toàn diện hệ thống dạy và học tại các trường tiểu học và trung học và có thể được mở rộng toàn quốc nếu được chứng minh là thành công. Đồng thời cũng được coi là một bài học hữu ích cho Chính phủ Việt Nam trong công cuộc cải cách dạy và học rộng rãi cho 10 đến 15 năm tới. Bên cạnh đó, sự thành công của mô hình này tại Việt Nam cũng sẽ là một bài học quý giá cho các quốc gia khác.
Việc xác định các đối tượng cụ thể và thu thập số liệu được tiến hành nhằm đánh giá tác động của dự án. Dữ liệu từ các trường học tham gia vào dự án GPE-VNEN và các trường không tham gia (nhóm đối chiếu so sánh) sẽ được thu thập liên tục trong 4 năm học. Các kết quả đánh giá sẽ được chính phủ sử dụng cho việc phát triển củng cố và mở rộng dự án. Do đó, việc thu thập đầy đủ và trọn vẹn dữ liệu là các yếu tố then chốt trong việc đánh giá dự án.
MDRI được tin tưởng ủy thác thực hiện 3 vòng khảo sát trong giai đoạn 2014-2016. Các nhóm đối tượng mục tiêu của khảo sát bao gồm học sinh tiểu học, phụ huynh học sinh, giáo viên và hiệu trưởng của các trường.